Những lần tác nghiệp “nhớ đời” của phóng viên “ôm” địa bàn Trung Đông

Fri, 10:03 14/06/2019 | 0 comment

VOV.VN – Hai chữ “Việt Nam” được ví là chìa khóa vạn năng đi qua các cửa an ninh hay xử lý các vấn đề khó khăn khi tác nghiệp ở Trung Đông.

16 năm hoạt động kể từ 2002 tới nay, Cơ quan Thường trú Ai Cập đã và luôn gắn bó với VOV.VN với những tin bài, phóng sự, hình ảnh đặc trưng của nôi văn hóa cổ đại nhưng cũng đầy nóng bỏng của “chiến sự”. Những phóng viên “ôm” địa bàn như tôi có rất nhiều kỷ niệm về nghề khi tác nghiệp ở Trung Đông.

Ai Cập hay bất kỳ quốc gia Trung Đông nào an ninh luôn được đặt lên hàng đầu và được thắt chặt nghiêm ngặt nhất là ở các điểm đông người, có khách quốc tế như khách sạn, siêu thị, điểm tham quan, trung tâm hội nghị hay quảng trường. Mỗi điểm như vậy có khoảng vài lớp kiểm tra an ninh nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho mọi người. Với nhưng khách quốc tế mới tới khu vực này thì cảm giác rất khó chịu nhưng với chúng tôi đó là chuyện bình thường bởi ai cũng hiểu đó là vì an toàn chung ở khu vực “nóng” như Trung Đông này.

Phóng viên Ngọc Thạch (áo đỏ)- Trưởng Đại diện Cơ quan Thường trú VOV tại Ai Cập

Nhưng những lúc tác nghiệp mà gặp các thủ tục an ninh chặt chẽ như vậy thì cũng có lúc hỏng việc. Quả đúng như vậy, năm 2009 khi Ngoại trưởng Mỹ H.Clinton thăm Ai Cập và có cuộc họp báo với Ngoại trưởng Ai Cập lúc 16h chiều. Các phóng viên báo chí phải có mặt trước 14h để kiểm tra an ninh. Đúng 13 giờ chúng tôi có mặt ở ngoài trung tâm họp báo để các nhân viên an ninh kiểm tra giấy tờ và để chó nghiệp vụ rà soát ôtô kiểm ra vũ khí bom đạn trước khi tiến sâu vào khu vực họp báo. Đúng 14h chúng tôi mới có thể tới cánh cửa cuối cùng để vào trung tâm họp báo nhưng cánh cửa chính đã khép. Nhân viên an ninh vòng ngoài, vòng trong, cả nam lẫn nữ nhìn tôi với ánh mắt “hình viên đạn” và đầy hoài nghi. Họ tới gần tôi hỏi các giấy tờ cần thiết rồi nhẹ nhàng nói “sorry” vì đã quá giờ. Tôi vẫn cố “nấn ná, ỉ ôi” và giở hết các bài xin xỏ nhưng bất thành. Mọi lý do tôi đưa ra đều bị khước từ trước kỷ luật nghiêm khắc của an ninh Mỹ và Ai Cập. Một sự kiện bị bỏ lỡ đầy ấm ức.

Bảo tàng quốc gia Ai Cập, nơi có thể nói an ninh rất nghiêm ngặt với các lực lượng như an ninh, cảnh sát du lịch, bảo vệ, an ninh quân đội, lực lượng chống khủng bố. kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ. Mới đây khi bảo tàng quốc gia trưng bày giới thiệu bức tượng khổng lồ có 3.000 năm tuổi, được cho là miêu tả nhà vua Ramses II, Vương triều thứ 19 của Ai Cập cổ đại, chúng tôi cũng tới đưa tin và đầy tự tin tác nghiệp khi có đầy đủ các giấy tờ cần thiết như thẻ nhà báo, giấy phép quay phim chụp ảnh của Bộ Nội vụ Ai Cập cấp hàng tháng. Để vào được sân bảo tàng nơi đặt tượng, chúng tôi phải đi qua 2 cửa soi an ninh nhưng để được tác nghiệp với máy ảnh và máy quay chuyên dụng lại là một chuyện khác. Cảnh sát du lịch kiểm tra giấy tờ và yêu cầu phải được sự đồng ý của thủ trưởng cao nhất phụ trách an ninh du lịch. Dù “sếp” đã Ok nhưng khi tác nghiệp một nhân viên an ninh mặc thường phục (chúng tôi đoán đây là lực lượng an ninh quốc gia, có quyền lực cao nhất tại đây) lại không đồng ý với lý do giấy xin phép quay chỉ nói là khu vực quảng trường Tahrir chứ không có phạm vi bảo tàng. Chúng tôi lại phải ra về mà trong lòng ấm ức.

Năm 2008, khi được cử đi Iran công tác theo thư mời của Bộ Văn hóa nước này, chúng tôi đã tới Văn phòng đại diệnquyền lợi Iran ở Cairo làm các thủ tục cần thiết để xin thị thực nhập cảnh. Chúng tôi phải mất 4 lần tới đây vàmỗi lần như vậy ngồi đợi khoảng gần 2 tiếng sau đó nhân viên Đại sứ quán ra nói “tuần tới” sẽ có. Mỗi lần đi lạiở Cairo luôn bị tắc đường, lại phải chờ đợi lâu nên lần thứ 3 khiến tôi và một cán bộ Thông tấn xã đã phải “ănvạ” tại sứ quán Iran với thái độ căng thẳng, bức xúc nhưng vẫn phải ra ngậm ngùi ra về tay trắng (có lẽ họ xétduyệt an ninh chặt chẽ vì lý do an ninh quốc gia của họ) và chỉ tới lần thứ 4 tức là còn vài ngày trước khi baychúng tôi mới có thị thực nhập cảnh.

 

An ninh chặt chẽ là thế nhưng nhiều chỗ, nhiều nơi rất thuận lợi với phóng viên Việt Nam. Bởi người dân Ai Cập nói riêng và người Trung Đông nói chung rất yêu quý và ngưỡng mộ nhân dân Việt Nam đã đánh thắng Pháp, Mỹ. Họ mến mộ vì người Việt Nam yêu chuộng hòa bình và đất nước phát triển với nhiều sản phẩm chất lượng, công nghệ cao. Chính sự kính trọng và yêu quý đó khiến người dân Trung Đông luôn có một niềm tin tưởng tuyệt đối với người Việt Nam. Nhiều chỗ an ninh kiểm tra vòng trong vòng ngoài nhưng chỉ cần tươi cười và nói Việt Nam là có thể qua các cửa an ninh, thậm chí ngay cả khi nhập cảnh.

Như trong sự kiện sơ tán lao động Việt Nam từ Lybia về nước qua biên giới Ai Cập đầu năm 2011, VOV.VN có lẽ là phương tiện đầu tiên và duy nhất cả nước có những hình ảnh, thông tin độc quyền từ Ai Cập và cửa khẩu Salloum trong những ngày đầu của chiến dịch giải cứu lao động. Để tác nghiệp trong điều kiện an ninh biên giới nghiêm ngặt và Ai Cập đang bị ảnh hưởng của làn sóng “Mùa xuân Ả-rập”, tôi may mắn bám càng xe ngoại giao của Đại sứ quán và “thẻ ra vào” các chốt an ninh chính là câu “Việt Nam”. Đáp lại câu nói đó là “Việt Nam number one – xin mời” và bày tỏ sự kính trọng đặc biệt. Không chỉ ở Ai Cập, đi bất kỳ nước nào trong khu vực Trung Đông, nếu nói người Việt Nam mọi sự sẽ dễ dàng hơn, nhất là các chốt an ninh. Chính vì vậy, chúng tôi vẫn nói đùa với nhau hai chữ “Việt Nam” là chìa khóa vạn năng đi qua các cửa an ninh hay xử lý các vấn đề khó khăn khi tác nghiệp ở Trung Đông.

PV Ngọc Thạch tác nghiệp tại Ai Cập tháng 1/2011 sau Mùa Xuân Arab

Tác nghiệp ở Trung Đông nhiều cái rất khó bởi quy định nghiêm ngặt và chặt chẽ, nhưng nhiều cái cũng rất thuận lợi. Trong cánh báo chí quốc tế ở Ai Cập, có lẽ các phóng viên Việt Nam vẫn luôn nhận được sự ưu ái và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ làm thẻ tác nghiệp các sự kiến, tới các khâu kiểm tra an ninh. Đó cũng là lý do mà chúng tôi luôn tự tin và thoải mái khi tham gia đưa tin các sự kiện nóng ở địa bàn với mục đích cung cấp những thông tin khách quan, nhanh nhất tới bạn đọc VOV.VN.

Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và hạnh phúc hơn khi những thông tin của mình được độc giả đón nhận và những nhân vật trong các bài viết sau đó lại trở thành những người bạn thân thiết, tri kỷ ở cả địa bàn Trung Đông hay ở Việt Nam./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *